Tâm sự đầy cảm động của nữ Bác sĩ, Giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19

Tâm sự đầy cảm động của nữ Bác sĩ, Giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19
Với quyết tâm chung tay cùng cả nước đẩy lùi nhanh dịch bệnh Covid-19, đoàn cán bộ hỗ trợ chuyên môn cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh Thái Bình ngày 25/8/2021 đã lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ, trong đó có 8 cán bộ của trường Cao đẳng Y tế Thái Bình. Sau hơn hai tháng xung phong vào “tâm dịch” Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ chống dịch Covid-19, đoàn cán bộ bác sĩ, điều dưỡng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đã hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị trở về quê hương với công việc của mình.
Trước lúc chia tay với Sài Gòn hoa lệ, nữ Bác sĩ, Giảng viên Bùi Thị Dung, Bộ môn Nhi, Khoa Lâm sàng, Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đã thay mặt cả đoàn viết lên những dòng chữ, những tâm sự khiến chúng ta không khỏi xúc động, tự hào và thầm cảm ơn họ “Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19”. Sau đây là nội dung bài viết:
“Bước vào cuộc chiến với ngổn ngang tâm trạng, tự hào và lo sợ. Sự nhạy cảm trỗi dậy, bản thân lại mít ướt như một đứa trẻ ngày nào. Vì sợ mọi người lo lắng mà nén nước mắt vào trong để rồi lại lén đứng cầu thang mà khóc vì Mẹ nói rằng mẹ mất ngủ, Mẹ khóc từ ngày con gái thông báo cái quyết định đầy ý nghĩa lịch sử ấy. Hai đứa trẻ thì vẫn vô tư hỏi "mẹ được đi thành phố Hồ Chí Minh hả mẹ? Mẹ đi lâu không?", "mẹ đi đánh con Covid hả mẹ?". Với chúng nó chỉ đơn giản là mẹ được đi máy bay, được đến vùng đất mới chứ đâu biết con Covy ấy nó tàn khốc thế nào.
Mấy ngày chuẩn bị đồ đạc cùng các đồng nghiệp, người mà mình sẽ gọi là đồng đội cùng vào sinh ra tử thật quá bận rộn làm mình tạm dừng được những ưu phiền. Ngày ra quân, tự hào như một chiến sĩ thời chiến với tâm lý "người ra đi đầu không ngoảnh lại" mà nước mắt nước mũi vẫn nhạt nhòa. Rồi thực tại kéo mình lại với cuộc chiến mà tất cả mọi người đều gọi là "cuộc chiến không mùi thuốc súng". Lần đầu tiên được đặt chân vào Sài Gòn nhưng lại được chứng kiến những điều chưa từng có ở một Sài Gòn hoa lệ, nổi tiếng với danh xưng thành phố về đêm thì giờ khắc đó, Sài Gòn im lìm vài bóng xe, đâu đâu cũng giăng dây, biển đỏ với dòng chữ đau lòng "...COVID.. ".
Cuộc chiến thực sự bắt đầu đầy khó khăn với sự bất đồng ngôn ngữ, sự thích ứng với một tập thể mới, đặc biệt là việc chăm sóc và điều trị một loại bệnh vô cùng mới nhưng lại quá nguy hiểm. Thật khó khăn hơn cả là việc phải chiến đấu trong bộ bảo hộ cấp 4 với thời tiết luôn đầy nắng của Sài Gòn, chiếc khẩu trang N95 kín không một luồng hơi và thậm chí không quạt gió. Tất cả đều chiến đấu với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" và chỉ với mục đích duy nhất là cứu chữa cho người bệnh. Thế nhưng bản thân đã phải trải qua những ngày tháng đầy ám ảnh trong cuộc đời dù trường y đã tôi luyện cho mình một tinh thần thép. Ranh giới của sự sống và cái chết, ranh giới của hạnh phúc và đau khổ, ranh giới gữa được và mất tất cả đều mong manh như một sợi tơ... Những thay đổi về giờ giấc, ăn uống, tâm lý, mối quan hệ, công việc rồi cũng dần được thích nghi. Những con người từ xa lạ trở nên quen thân, những ngày mưa âm u được thay dần bằng những ngày nắng vàng rực rỡ.
Thành phố mang tên Bác vẫn quật cường đứng lên như đã từng trải qua bao cuộc chiến trước. Sài Gòn đang khỏe lại và chúng tôi đang dần chạm tay đến chiến thắng khi bệnh nhân đang giảm dần, số ca bệnh nặng và tử vong giảm đi rõ rệt, đặc biệt là sau mỗi lần làm test được chị trưởng đoàn thông báo bằng hai từ thật tâm linh "TRỘM VÍA" cả đoàn đều âm tính. Ngày hôm nay đây chúng tôi đã quen thân nhau, đã không còn sự bất đồng ngôn ngữ, đã gắn kết nhau như những người đồng đội bước ra từ cuộc chiến và chúng tôi đang sắp được trở lại cuộc sống thường nhật trên quê hương, trong nhà mái nhà yên bình với bố mẹ, vợ chồng con cái. Ngày trở về đang ngày càng gần với những cảm xúc thật bồi hồi. Xa những người đồng đội vốn xa lạ mà giờ quá thân quen, xa cái nhịp sống mặc dù chỉ hơn 60 ngày mà như thấm vào máu, xa môi trường bệnh viện với những bệnh nhân thật đặc biệt. Tất cả sẽ được gửi lại mảnh đất này và được lưu lại trong ký ức đẹp đẽ, hào hùng của mỗi người để rồi nhiều năm sau chúng tôi sẽ kể với con cháu về "một cuộc chiến không mùi thuốc súng".
Quá nhiều cảm xúc nhưng hạnh phúc vẫn là điều mà đến giờ chúng tôi đang cảm nhận. Không ai bị bỏ lại phía sau, những cơ duyên gặp gỡ, những tình cảm dạt dào, sự tri ân sâu sắc của cả người dân và lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh làm chúng tôi ấm lòng. Ngày về không còn xa và chúng ta là người chiến thắng.
Gửi lại đây những yêu thương nồng cháy với Sài Gòn, với đồng đội và với những con người dù xa lạ nhưng đã trở nên thân quen trong cuộc chiến khốc liệt này”
Sài Gòn ngày nhớ 30.10.2021

Tác giả bài viết: Hoàng Mai