Bộ phận cơ thể già đi như thế nào?

Quá trình lão hóa diễn ra từ từ với sự thay đổi về cấu tạo và chức năng của các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Bài viết sau đây chỉ đề cập đến sự già đi của một số cơ quan điển hình, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Bộ máy tiêu hóa

 Đối với người cao tuổi (NCT), sự lão hóa dẫn đến một số thay đổi của bộ máy tiêu hóa như sau: miệng khô vì tuyến nước bọt tiết ít nước nên việc nhai trở nên khó khăn và giảm vị giác nên thấy thức ăn kém ngon. Một vài nghiên cứu cho thấy: dịch vị dạ dày giảm trên 25% ở tuổi 60 trở lên và sự co bóp của dạ dày cũng yếu đi. Ở ruột non, sự hấp thụ canxi cũng bị suy giảm làm cho cơ thể bị loãng xương. Khả năng hấp thụ vitamin B12 kém dần dẫn đến thiếu máu và yếu sức. Chỉ có chức năng của ruột già ở NCT vẫn tốt, sự đại tiện của NCT vẫn bình thường, nhưng thành ruột già mỏng hơn, đôi chỗ phình ra thành túi nhỏ dễ bị nhiễm khuẩn. Chức năng tiết mật của gan, dịch tụy hầu như không thay đổi.

Hệ tuần hoàn

Nghiên cứu cho thấy: mỗi ngày tim bơm khoảng 7.000 lít máu vào hơn 100.000 km mạch máu. Bình thường nhịp tim là 70 - 80 lần/phút. Đối với NCT, có một số thay đổi về chức năng, cấu tạo của hệ tuần hoàn. Thay đổi nguy hiểm nhất là vách tâm nhĩ trái dày lên, xơ cứng, kém đàn hồi, làm giảm sức bóp của tim, làm cho máu đi nuôi cơ thể ít oxy và chất dinh dưỡng. Hệ thống mạch máu cũng bị xơ cứng, kém đàn hồi vì có nhiều chất vôi và collagen, mảng xơ vữa dày lên trong thành mạch máu, làm cho máu lưu thông khó khăn. Như vậy NCT bị suy giảm sự lưu thông của máu, giảm cung cấp dưỡng khí dẫn đến nhanh mệt khi lao động hay hoạt động mạnh. 

 Tế bào thần kinh bình thường (trái) và tế bào thần kinh bị thoái hóa do tuổi già trong bệnh Alzheimer.

Hệ cơ, xương

Cơ bắp chiếm gần nửa trọng lượng cơ thể. Vận động có tác dụng phát triển và duy trì bắp cơ. Ở người ít hoặc không vận động, cơ bắp sẽ teo đi, thay vào đó là mô mỡ và nước. Ở NCT, khối lượng cơ giảm dần do giảm kích thước và giảm số lượng tế bào cơ thịt. Khi không hoặc ít vận động, kém dinh dưỡng, cơ sẽ teo đi. NCT do ít tập luyện lại sống quá tĩnh tại, chức năng bắp thịt thay đổi rõ rệt. Sức mạnh cơ bắp giảm 20% ở tuổi 50, giảm 40% khi tới tuổi 70 - 80. Chức năng cơ bắp còn suy giảm vì sự thoái hóa, giảm tính đàn hồi của gân và dây chằng.

Xương được cấu tạo bởi chất khoáng, nhiều nhất là canxi 45%; mạch máu, tế bào (30%) và nước (25%). Xương được liên tục tu bổ để thay thế xương cũ bằng xương mới. Khi cao tuổi, canxi trong máu giảm, do đó xương bị yếu, giòn, dễ gãy. Do canxi trong máu giảm thấp, cơ thể lại lấy canxi ở xương ra để đáp ứng các nhu cầu khác như hoạt động của hệ thần kinh, làm đông máu, hoạt động của cơ bắp, làm cho khối lượng xương càng giảm.

Bình thường, khớp xương cử động dễ dàng là nhờ chất nhờn và sụn nằm độn giữa khớp như một cái bao, bọc hai đầu xương, đồng thời cũng để tránh sự cọ xát của mặt xương. Khớp được giữ ở đúng vị trí nhờ những dây chằng như gân, bao khớp. Ở NCT, chất nhờn dịch khớp và sụn giảm, gân và dây chằng ít đàn hồi làm cho sự cử động của khớp bị giới hạn. Với thời gian, khớp cũng gặp những thương tích tuy nhẹ nhưng tích luỹ khiến khớp hay bị đau nhức và cử động khó khăn.

 Bộ não

Cơ thể chỉ có số tế bào thần kinh nhất định, không tăng hay tái tạo, nhưng lại mất dần theo năm tháng. Mỗi ngày có từ 50.000 - 100.000 tế bào thần kinh mất đi. Quá trình lão hóa não gồm các thay đổi như sau: cuống não có chức năng điều hoà nhịp thở, nhịp tim, sự đi đứng, ngủ nghỉ. Tế bào cuống não thường chỉ bị tiêu hao ở phần kiểm soát giấc ngủ nên NCT thường khó ngủ. Tiểu não có chức năng giữ thăng bằng, điều khiển tư thế. Ở NCT, tế bào tiểu não bị tổn thất rất nhiều dẫn đến bị mất thăng bằng khi đi đứng, cử động khó khăn. Hệ viền có chức năng trí nhớ, hệ viền cũng bị tổn thương rất nhiều vì tuổi cao, gây trở ngại cho khả năng học tập và trí nhớ.

Bán cầu đại não chiếm 75% tổng số tế bào thần kinh. Vỏ não được chia làm nhiều vùng với nhiệm vụ riêng biệt và bị tổn thất khác nhau vì sự lão hóa.Vùng kiểm soát cử động mất từ 20 - 50% tế bào. Vùng thị giác mất 50%. Vùng thính giác mất 30 - 40%. Tuy nhiên não lại là cơ quan duy nhất trong cơ thể mà khi cao tuổi vẫn tiếp tục cải tiến, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, sự khéo léo, sức sáng tạo, sự xét đoán, độ nhạy cảm và sự khôn ngoan của con người.

Hệ miễn dịch

Bẩm sinh, cơ thể đã có hệ miễn dịch chống lại bệnh tật nhờ hai loại bạch cầu T-cells, B-cells. Chúng tạo ra kháng thể đặc biệt để tiêu diệt vi khuẩn và tế bào ung thư. Lúc mới sinh, các tế bào bạch cầu này được tuyến ức sản xuất, huấn luyện để chống tác nhân gây bệnh. Nhưng do tuyến ức thoái hóa, sau đó thì tủy sống, các hạch và lá lách sản xuất ra tế bào bạch cầu này. Nhưng do không được sự điều khiển, huấn luyện của tuyến ức nên chức năng phòng vệ cơ thể kém công hiệu. Do đó NCT dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn và ung thư.

Như vậy, sự lão hóa của các cơ quan nói trên không gây ra nhiều khó khăn cho đời sống của NCT, nhất là khi họ duy trì được một nếp sống lành mạnh, tích cực và lạc quan.

ThS. Phạm Vũ Hoàng

Nguồn tin: Báo Sức khỏe đời sống