Thoái hóa khớp ở người lớn tuổi

Thoái hóa khớp là bệnh của toàn bộ các thành phần cấu tạo khớp như: sụn, xương dưới sụn, bao hoạt dịch. Sụn khớp bình thường là một mô không có mạch máu, bề mặt nhẵn bóng, có hai chức năng: đảm bảo cho khớp được cử động dễ dàng và chịu gánh nặng cơ học.
Sụn gồm các chất gian bào và một ít tế bào sụn sản xuất ra các thành phần cấu tạo chất gian bào. Với những thành phần này làm cho sụn khớp có khả năng chịu đựng được lực ép vào. Chất gian bào gồm 3 thành phần chính là nước (70%), chất tạo keo (làm sụn có cấu trúc riêng và độ bền) và proteoglycan ưa nước. Trong thoái hóa khớp thì các sụn này có sự biến đổi về sinh hóa và hình thái. Người ta nhận thấy lượng proteoglycan bị giảm lượng ở gian bào, giảm proteoglycan kết hợp. Lúc đầu khi mới bắt đầu bệnh thì có sự tăng tổng hợp proteoglycan nhưng khi bệnh tiến triển thì có sự giảm tổng hợp. Có sự tăng hoạt động của một số men ở màng hoạt dịch vào gian bào làm hư hỏng cấu trúc của sụn. Sự thoái hóa tại chỗ của sụn, sự hình thành một xương mới và sụn là những điểm chủ yếu trong thoái hóa khớp.

Nguyên nhân đầu tiên gây thoái hóa khớp là tích tuổi. Thoái hóa khớp hay gặp ở người có tuổi và người cao tuổi, người ta cho rằng sụn trong quá trình lão hóa chống đỡ kém với sự cọ sát cơ học, sẽ dẫn đến tổn thương và phá hủy cấu trúc khớp. Theo qui luật của tạo hóa thì càng lớn tuổi khả năng sinh sản và tái tạo sụn giảm dần. Tế bào sụn theo thời gian sẽ lão hóa, già dần, khả năng tổng hợp chất tạo nên sợi collagen và proteoglycan giảm dần dẫn đến chất lượng sụn suy giảm, mất tính đàn hồi cũng như khả năng chịu lực. Nguyên nhân tiếp theo là sự quá cân dẫn đến tăng sức nặng đè ép lên khớp, các nghiên cứu cho thấy sự tăng thoái hóa khớp ở người quá cân nhất là ở khớp gối, háng, cột sống…