Phát hiện nguyên nhân hiện tượng cận tử

Cận chết được xem là một trong những hiện tượng khó lý giải xuất hiện ở người bệnh trong tình trạng hôn mê hoặc trong các ca phẫu thuật giành lại sự sống cho người bệnh. Nhiều nghiên cứu nhằm lý giải nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này đã được tiến hành, song chưa đem lại kết quả. Mới đây nhất, các nhà khoa học Mỹ vừa cho biết, khoa học đã xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng cận chết mà hàng nghìn người bệnh đã gặp phải trên bàn mổ.

Theo y học, tình trạng cận chết có liên quan đến việc nồng độ CO2 trong máu người bệnh thấp. Khi nồng độ CO2 trong máu xuống thấp, các thành phần hóa học trong não bị mất cân bằng do sự thay đổi bất thường dẫn tới việc bệnh nhân rơi vào trạng thái mơ ảo và bắt gặp những hình ảnh dạng như chính họ đang đi từ thế giới người sống vào thế giới của những linh hồn người chết. Cảm giác này diễn ra trong khi người bệnh ở trong tình trạng chết lâm sàng: tim ngừng đập, phần lớn hoạt động não bộ đã ngừng hoạt động và chỉ xuất hiện tín hiệu não ở một số khu vực nhất định.

 Trong các trường hợp cận tử, chức năng não đã bị thay đổi.

Lý giải khoa học về hiện tượng cận chết

Đầu thế kỷ 21, các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện ra những trường hợp bệnh nhân kỳ lạ. Họ gần như đã chết, tim và mạch ngừng đập, hoạt động não bộ đã ngừng, song điều đó không có nghĩa là bệnh nhân chết thực sự, bệnh nhân rơi vào tình trạng cận chết vẫn có cơ hội tỉnh lại.

Tiêu biểu cho các trường hợp cận chết là trường hợp của ca sĩ Pam Reynolds. Cô trải qua tình trạng cận chết trong một lần phẫu thuật não vào năm 1991. Các bác sĩ phải hút hết máu trong vùng não phẫu thuật để tiến hành xử lý vùng mạch máu bị phình ra. Trong lúc các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho Reynolds, cô đã rơi vào tình trạng cận chết và cảm nhận thấy những hình ảnh bản thân đang bước gần đến ranh giới giữa sự sống và cái chết. Khi tỉnh lại, Reynolds kể lại rằng, cô đã thấy mình thoát ra khỏi thể xác đang nằm trên bàn mổ và lơ lửng trong không trung. Nhìn xuống dưới, Reynolds thấy thể xác cô đang được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, 20 người đang đứng quanh bàn mổ và Reynolds có thể kể lại từng chi tiết các vật dụng y tế mà từng bác sĩ đã cầm trên tay để tiến hành ca mổ cho cô, cũng như việc các bác sĩ đã tiến hành hạ nhiệt độ cơ thể và hút máu ra khỏi não của cô như thế nào... Trong suốt thời gian diễn ra hiện tượng cận chết, theo lời kể của Reynolds thì cô đã gặp và nói chuyện được với người mẹ và người cậu đã mất của mình. Họ đã yêu cầu cô quay trở lại phòng mổ và bất ngờ sau đó, khi ca mổ kết thúc, Reynolds đã tỉnh lại. Ngay sau khi ra viện, Reynolds đã bị ám ảnh bởi những điều kỳ lạ mà cô đã trải qua trong ca mổ, cô đã kể lại những chuyện này với các bác sĩ chuyên khoa thần kinh và được lý giải là cô đã rơi vào trạng thái cận chết. Kiểm tra lại cuốn băng quay lại các cảnh trong phòng mổ, các nhà khoa học đã ngạc nhiên nhận thấy mọi việc đã diễn ra đúng như mô tả của Reynolds, mặc dù trong lúc đó, mọi người đều khẳng định hai mắt nhắm nghiền và cô đã ở trong tình trạng gây mê để tiến hành phẫu thuật. Woerlee, một nhà nghiên cứu Australia đã đi tìm nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này ở Reynold, ông phát hiện ra rằng: Khi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật não cho bệnh nhân, cô đã đột ngột bị rơi vào tình trạng vô thức. Đồng thời khi đó, không có máu chảy ra khỏi não, có thể chức năng thính giác vẫn hoạt động và khiến cho Reynold nhận biết được chuyện gì đã xảy ra trong ca mổ của cô. Trường hợp của Reynold là trường hợp đặc biệt, cô còn nhớ được những gì đã diễn ra. Trong nhiều trường hợp khác, bệnh nhân không thể nhớ được, bởi chức năng não của họ đã bị thay đổi (do thiếu ôxy) sau khi trải qua tình trạng cận chết.

Cận chết là do tác động của nồng độ CO2

Nghiên cứu của các nhà khoa học Slovenia đối với 52 trường hợp bệnh nhân từng được điều trị bệnh tim trong bệnh viện đã giúp các nhà khoa học phần nào hiểu rõ hơn tình trạng hiện tượng cận chết diễn ra. Các nhà khoa học tiến hành xét nghiệm và kiểm tra thành phần các chất hóa học trong máu của những bệnh nhân này, trong đó, họ đặc biệt chú ý tới nồng độ CO2 trong máu của họ. Trong quá trình điều trị bệnh tim, 11 trong số 52 trường hợp bệnh nhân này đã trải qua hiện tượng cận chết. Kiểm tra lại nồng độ các thành phần hóa học trong máu, các nhà khoa học phát hiện thấy rằng so với trước khi hiện tượng này xảy ra, nồng độ CO2 tập trung trong hơi thở của họ cao hơn nhiều so với khi bình thường.

Nghiên cứu này cũng giúp chỉ rõ: tình trạng cận chết không hề phụ thuộc vào độ tuổi, giới  tính, tín ngưỡng tôn giáo, sự sợ hãi trước cái chết hay các loại thuốc mà bệnh nhân đã được điều trị.

TS. Klemenc-Ketis, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: Nồng độ CO2 cao chính là nguyên nhân gây mất cân bằng các thành phần hóa chất trong não, tình trạng này đã kích thích những hình ảnh, cảm giác bất thường ở người bệnh, chẳng hạn như tạo nên cảm giác bồng bềnh như đang thoát khỏi thể xác, cảm giác bị lạc vào một đường hầm tối... Song đó chỉ là những ảo giác do tình trạng não bị ảnh hưởng do nồng độ CO2 cao.

TS. Parnia đã tiến hành kiểm tra 25 trường hợp bệnh nhân trải qua tình trạng cận chết tại các bệnh viện của Anh và Mỹ. Trong một cuộc thử nghiệm, các nhà khoa học đã đặt các bức hình trong tầm quan sát của các bệnh nhân trong trạng thái cận chết. Những tấm hình này chỉ có thể quan sát được khi nhìn từ trần nhà xuống.

Khi cái chết thông thường diễn ra, ở người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu ngừng thở, một vài phút sau, nhịp tim đập chậm lại và ngừng hẳn. Tuy nhiên, nếu quá trình này diễn ra theo trình tự nhịp tim ngừng đập trước do mạch ngừng hoạt động, hơi thở ngừng trong một vài giây, thì thời điểm diễn ra tình trạng chết lâm sàng bắt đầu xuất hiện. Trong tình trạng này, nhận thức thông thường của người bệnh có thể bị mất trong vài giây diễn ra cái chết lâm sàng, song não bộ không hề bị tổn thương trong suốt thời gian diễn ra tình trạng này.

Minh Ngọc (Theo daily mail)