Thận trọng với bệnh liên cầu khuẩn

Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Nguyên nhân được xác định là nhiễm bệnh liên cầu khuẩn do lẫy nhiễm từ lợn sang.

Thông tin từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay Bệnh viện đã tiếp nhận 22 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn, trong đó có một số trường hợp nặng như viêm não, nhiễm trùng huyết nặng. Điển hình là ngày 25/5/2010, Bệnh viện tiếp nhận 2 trường hợp đều trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp xúc với lợn. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ, 55 tuổi, ở xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên nhập viện trong tình trạng sốc, nhiễm trùng nặng, toàn thân tím đen, xuất hiện những nốt ban hoại tử từ đỉnh đầu tới gót chân, huyết áp hạ. Gia đình bệnh nhân cho biết, lợn của gia đình nuôi bị ốm 2 ngày trước, đến ngày thứ 3 thì một người trong gia đình mắc bệnh. Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhân nam ở huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội, nhập viện trong trạng thái sốt cao, vật vã, đi ngoài, tâm trạng không ổn định, có dấu hiệu viêm màng não mủ… Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân hay ăn tiết canh lợn và trước khi nhập viện cũng ăn tiết canh.

 

 Tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ đầu tháng 4 đến nay, Khoa Hồi sức cấp cứu đã tiếp nhận 28 bệnh nhân ở các tỉnh miền Trung bị mắc liên cầu khuẩn. Trong đó, có 4 bệnh nhân tử vong. Trường hợp tử vong mới nhất là bệnh nhân Bùi Văn Nhần, 37 tuổi, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, tử vong ngày 22/5 sau khi nhập viện 2 giờ do nhiễm liên cầu khuẩn. Ông Dương Văn Sinh, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết thêm, hiện tại Bệnh viện đang điều trị cho 7 trường hợp bị bệnh liên cầu khuẩn.

Ngày 25/5/2010, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cũng tiếp nhận 1 bệnh nhân nam 63 tuổi ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình trong tình trạng li bì, tím tái toàn thân; suy hô hấp; toàn thân nổi ban hoại tử. Người nhà bệnh nhân cho biết bệnh nhân có ăn tiết canh và thịt lợn.Qua khám kết hợp với khai thác tiền sử, các bác sĩ đã xác định bệnh nhân có các biểu hiện nghi nhiễm liên cầu khuẩn. Đến 11 giờ cùng ngày do tình trạng bệnh quá nặng nên bệnh nhân đã tử vong.

 

Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh liên cầu khuẩn ở người là bệnh kế phát từ bệnh tai xanh ở lợn. Liên cầu gây bệnh cho lợn tồn tại trong miệng của lợn, có thể xâm nhập vào máu, làm suy giảm miễn dịch ở lợn, khiến vi khuẩn liên cầu xuất hiện và phát triển. Sau đó, vi khuẩn này có mặt trong khắp cơ thể lợn, đặc biệt là ở các phủ tạng và máu. Có khi con người tiếp xúc với lợn bệnh, đặc biệt là người giết mổ, tay chân bị xây xước, tiếp xúc với máu, thịt lợn, phủ tạng lợn, vi khuẩn có thể xâm nhập qua da vào cơ thể. Người dân ăn các sản phẩm từ lợn, nhất là tiết canh lợn mắc bệnh tai xanh thì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Bệnh liên cầu khuẩn có các triệu chứng tương tự như ngộ độc thức ăn: đau bụng, buồn nôn, đi lỏng, nóng, sốt, tiếp theo là xuất hiện nổi xuất huyết ngoài da trên chân tay, trên người. Vì vậy, khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, người bệnh phải đến bệnh viện ngay để điều trị. Đối với thể bệnh này đòi hỏi phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời, chính xác, vừa kết hợp điều trị kháng sinh vừa điều trị hồi sức. Bệnh liên cầu khuẩn rất nhạy cảm với kháng sinh, nên thuận lợi cho công tác điều trị.

 

Bác sỹ Hà cũng khuyến cáo, người dân cần chú ý, khi có lợn ốm cần khai báo, xác định căn nguyên và tiêu huỷ. Những người tiêu huỷ lợn cần đeo găng tay, khẩu trang. Những người giết mổ lợn sống, khi có vết thương tuyệt đối không nên làm. Đối với người nội trợ, khi mua thịt lợn cần chú ý mua thịt tươi, khi chế biến phải đeo găng tay và làm xong phải rửa tay sạch sẽ. Đặc biệt là phải nấu chín và không nên ăn tiết canh lợn.

 

An An